Người trầm cảm có biết mình trầm cảm không? Tìm hiểu thêm
Trầm cảm không đơn giản chỉ là buồn chán mà là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Vậy liệu người trầm cảm có biết mình trầm cảm không? Hiểu rõ vấn đề này sẽ giúp cả người bệnh lẫn những người xung quanh có cái nhìn đúng đắn hơn, từ đó phát hiện và điều trị bệnh sớm hơn.
Người trầm cảm có biết mình trầm cảm không?
Thực tế, rất nhiều người bị trầm cảm mà không hề biết bản thân đang mắc bệnh. Lý do bởi các triệu chứng trầm cảm thường diễn ra âm thầm và dễ bị nhầm lẫn với căng thẳng, mệt mỏi thông thường.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Người bệnh có thể cảm thấy buồn bã, mất hứng thú, thiếu năng lượng kéo dài nhưng họ không phải lúc nào cũng ý thức được rằng đây là biểu hiện của một tình trạng cần được can thiệp y tế.
Một số người không biết mình đang bị trầm cảm vì những lý do sau:
- Thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần: Nhiều người chưa từng tìm hiểu về trầm cảm hoặc có cái nhìn sai lệch, cho rằng trầm cảm chỉ là “buồn vu vơ” hay “yếu đuối tinh thần”. Vì thế, họ không biết các triệu chứng như mất ngủ, mệt mỏi, mất hứng thú sống… là dấu hiệu lâm sàng của bệnh.
- Sự quen thuộc với nỗi buồn: Khi các cảm xúc tiêu cực diễn ra thường xuyên, người bệnh có thể dần xem đó là trạng thái bình thường. Họ không còn so sánh với cảm giác tích cực trước đây, từ đó không nhận ra sự thay đổi đáng báo động.
- Cơ chế phòng vệ tâm lý: Một số người có xu hướng phủ nhận nỗi đau tinh thần để tự bảo vệ bản thân, không muốn đối diện với cảm xúc thật. Họ cố gắng giữ vẻ “ổn”, che giấu sự suy sụp và dần tự lừa dối chính mình rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.
Các dấu hiệu trầm cảm mà người bệnh thường không tự nhận ra
Trầm cảm không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng bằng nước mắt hay những cơn khủng hoảng tinh thần. Nhiều người sống chung với trầm cảm trong thời gian dài mà không hề nhận ra, vì các triệu chứng có thể ẩn sau những hành vi tưởng chừng rất bình thường.
Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến mà người bệnh dễ bỏ qua:
- Cảm giác trống rỗng kéo dài: Không hẳn là buồn mà là một trạng thái trống rỗng, vô định, như thể mọi thứ đều vô nghĩa. Người bệnh có thể cảm thấy không còn động lực để làm điều gì, kể cả những việc từng yêu thích.
- Mất năng lượng và mệt mỏi kéo dài: Ngay cả khi ngủ đủ giấc, người trầm cảm vẫn có cảm giác kiệt sức, uể oải, không muốn rời khỏi giường. Họ dễ mệt vì những việc đơn giản như nấu ăn, dọn dẹp hay đi làm.
- Thay đổi về giấc ngủ và ăn uống: Một số người có dấu hiệu ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ triền miên, thức khuya vì không thể ngừng suy nghĩ. Trường hợp khác thì lại chán ăn hoặc ăn quá độ để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
- Cáu gắt, khó chịu không rõ lý do: Trầm cảm không chỉ là buồn bã mà nhiều người còn trở nên nóng tính, dễ bực bội, đặc biệt với những việc nhỏ nhặt hằng ngày. Họ có thể cảm thấy bức bối với cả người thân nhưng không biết vì sao.
- Tự trách, cảm thấy vô dụng: Một trong những dấu hiệu âm thầm nhất là sự tự ti sâu sắc. Người bệnh thường nghĩ rằng mình là gánh nặng, làm phiền người khác, dù không ai nói vậy. Họ lặp lại các suy nghĩ tiêu cực như: “Tôi không xứng đáng”, “Tôi không làm được gì nên hồn”…
- Xa cách xã hội, thu mình: Không còn hứng thú nói chuyện, không muốn gặp bạn bè, thường viện lý do để từ chối gặp mặt, thậm chí biến mất khỏi mạng xã hội. Đây là những biểu hiện thường bị bỏ qua hoặc hiểu nhầm là “thích yên tĩnh”.
- Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự làm đau bản thân: Không phải ai cũng nói ra nhưng nhiều người trầm cảm từng nghĩ đến việc tự kết thúc cuộc sống như một cách để chấm dứt đau khổ. Đây là dấu hiệu nghiêm trọng nhất cần được chú ý và can thiệp kịp thời.
Lưu ý: Những dấu hiệu trên không phải lúc nào cũng xảy ra cùng lúc và không cần phải đủ hết mới được coi là trầm cảm. Nếu bạn hoặc người thân có từ 2–3 biểu hiện kéo dài trên 2 tuần, hãy chủ động tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác.
Vì sao nhiều người trầm cảm không tìm kiếm sự giúp đỡ?
Người trầm cảm có biết mình trầm cảm không còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức, trải nghiệm cá nhân và môi trường sống. Tuy nhiên, ngay cả khi họ đã phần nào cảm nhận được sự bất ổn trong tinh thần, việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn lại không hề dễ dàng.

Dưới đây là những lý do phổ biến khiến người trầm cảm thường im lặng chịu đựng:
- Sợ bị kỳ thị: Ở nhiều nơi, rối loạn tâm lý vẫn bị gắn mác là “yếu đuối”, “làm quá” hoặc “không có ý chí”. Chính vì vậy, người bệnh thường chọn giấu kín tình trạng của mình thay vì chia sẻ và tìm đến bác sĩ. Họ sợ bị hiểu lầm, bị xa lánh hoặc làm phiền người khác.
- Không tin rằng mình “đủ nặng” để cần điều trị: Nhiều người cho rằng chỉ khi quá suy sụp hoặc có hành vi tự sát mới cần gặp bác sĩ tâm thần. Họ không biết rằng trầm cảm có nhiều mức độ và can thiệp sớm sẽ giúp phục hồi nhanh hơn. Sự ngộ nhận này khiến họ chần chừ hoặc tự cố gắng vượt qua, dẫn đến bệnh trở nặng.
- Thiếu kiến thức về phương pháp điều trị: Không ít người vẫn nghĩ rằng điều trị trầm cảm là uống thuốc ngủ hay nằm viện tâm thần. Thực tế, nhiều trường hợp có thể hồi phục tốt chỉ với liệu pháp trò chuyện (hỗ trợ tâm lý) nếu phát hiện sớm. Nhưng vì thiếu thông tin, họ ngại hoặc không biết nên bắt đầu từ đâu.
- Không có ai để chia sẻ hoặc bị xem nhẹ cảm xúc: Một người trầm cảm khi nói ra nỗi buồn có thể nhận được những phản ứng như: “Buồn gì mà buồn hoài vậy?”, “Ráng lên đi, ai cũng khổ mà”, “Lạc quan lên là được!”… Những câu nói này không giúp gì, thậm chí khiến họ khép mình hơn vì cảm thấy không được thấu hiểu.
Sự im lặng của người trầm cảm không có nghĩa là họ ổn. Họ có thể đang chờ ai đó để lắng nghe một cách nghiêm túc, hoặc một cơ hội để bước ra khỏi vòng lặp tiêu cực mà chính họ cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Làm sao biết người thân, bạn bè đang mắc trầm cảm?
Bản thân người mắc trầm cảm đôi khi không ý thức được tình trạng của mình. Tuy nhiên, nếu là người thân cận, bạn hoàn toàn có thể nhận ra những thay đổi nhỏ nhưng kéo dài trong cảm xúc, hành vi và thói quen hằng ngày – đó có thể là những tín hiệu âm thầm cảnh báo họ đang cần được giúp đỡ.

Dưới đây là một số biểu hiện bên ngoài mà bạn có thể quan sát để sớm phát hiện khi người xung quanh không may mắc chứng trầm cảm:
- Rút lui khỏi các mối quan hệ: Người trầm cảm thường bắt đầu hạn chế giao tiếp, tránh gặp gỡ bạn bè, ít phản hồi tin nhắn hoặc cuộc gọi. Ngay cả khi có mặt trong các buổi gặp mặt, họ cũng trở nên im lặng bất thường, trông như đang có điều gì đó khó nói nhưng lại không chia sẻ.
- Mất hứng thú với những việc từng yêu thích: Một người từng yêu thích đọc sách, chơi thể thao hay đi du lịch đột nhiên không còn quan tâm đến bất cứ điều gì. Họ không còn tìm thấy niềm vui trong các hoạt động quen thuộc, và điều này diễn ra âm thầm đến mức chỉ người thân thiết mới nhận ra sự thay đổi.
- Thay đổi rõ rệt trong thói quen sinh hoạt: Họ có thể ngủ quá nhiều hoặc liên tục than phiền mất ngủ, dù rất mệt. Việc ăn uống cũng trở nên bất thường, ăn rất ít hoặc ăn nhiều quá mức, thường đi kèm với thay đổi cân nặng rõ rệt. Ngoài ra, họ thường xuyên kêu mệt, uể oải, không muốn làm gì, kể cả những việc đơn giản trong ngày.
- Dễ xúc động hoặc nổi giận không rõ lý do: Người trầm cảm có thể dễ dàng rơi nước mắt hoặc phản ứng gay gắt với những chuyện nhỏ nhặt. Cảm xúc bị dồn nén lâu ngày khiến họ trở nên nhạy cảm quá mức, dễ cáu gắt, và không kiểm soát được tâm trạng dù bản thân họ cũng không hiểu tại sao.
- Tự hạ thấp bản thân, nói những điều tiêu cực: Họ thường lặp lại những câu như “Tôi làm gì cũng hỏng”, “Tôi chỉ là gánh nặng”, hoặc “Không ai cần tôi cả”. Đây không đơn thuần là than thở mà là dấu hiệu cho thấy họ đang rơi vào vòng lặp của các suy nghĩ tiêu cực – đặc trưng điển hình của trầm cảm.
- Biểu hiện mơ hồ nhưng kéo dài: Dù không nói ra, bạn vẫn cảm thấy họ không còn là chính mình. Ánh mắt thiếu sức sống, giọng nói đều đều, nét mặt mệt mỏi và hành vi thiếu năng lượng. Tất cả những biểu hiện tưởng như “nhẹ” này lại chính là tiếng chuông cảnh báo nếu kéo dài nhiều tuần.
Việc nhận biết trầm cảm ở người thân, bạn bè không đơn giản bởi họ thường cố giấu đi những tổn thương sâu bên trong. Tuy nhiên, nếu bạn tinh ý quan sát và thấu cảm, những dấu hiệu âm thầm ấy sẽ dần hiện rõ.
Điều quan trọng không phải là phán đoán đúng hay sai mà là sự hiện diện chân thành, lắng nghe không phán xét và sẵn sàng ở bên họ khi họ cần. Đôi khi, một người bị trầm cảm không cần lời khuyên mà họ chỉ cần biết rằng họ không một mình.
Người trầm cảm nên làm gì khi nhận ra tình trạng của mình?
Nhận thức được bản thân đang rơi vào trầm cảm là bước đầu tiên trên hành trình hồi phục. Tuy nhiên, hành trình chữa lành không nên diễn ra trong sự im lặng hay cô lập. Trầm cảm không thể “tự hết” như nhiều người lầm tưởng mà cần được nhìn nhận đúng cách và có sự hỗ trợ phù hợp.
Dưới đây là những điều người trầm cảm nên làm khi bắt đầu ý thức được tình trạng của mình:
1. Đừng phủ nhận – hãy chấp nhận cảm xúc của mình
Bạn không yếu đuối, không “kém cỏi” khi cảm thấy mệt mỏi, buồn bã hay muốn buông xuôi. Trầm cảm là một tình trạng y khoa thực sự, không phải một lựa chọn hay cá tính. Việc chấp nhận rằng mình đang không ổn là bước đầu tiên để mở ra cánh cửa hồi phục.
2. Tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần
Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng kéo dài trên 2 tuần và ảnh hưởng đến học tập, công việc hoặc các mối quan hệ, hãy tìm sự giúp đỡ từ người có chuyên môn. Điều trị trầm cảm không chỉ là uống thuốc mà có thể bắt đầu bằng các buổi trò chuyện, được chuyên gia hướng dẫn kỹ lưỡng để hiểu và tháo gỡ dần các nút thắt tâm lý.

3. Tâm sự với người đáng tin cậy
Bạn không cần nói với tất cả mọi người, chỉ cần một người lắng nghe bạn thực sự. Đó có thể là bạn thân, người thân trong gia đình hoặc một đồng nghiệp hiểu chuyện. Đừng ngại mở lời vì việc chia sẻ có thể giúp bạn giảm bớt áp lực và nhận được góc nhìn khác từ người ngoài.
4. Thiết lập thói quen sống lành mạnh
- Cố gắng duy trì giờ giấc sinh hoạt đều đặn: Ăn đúng bữa, ngủ sớm và đủ giấc, rèn luyện thể chất và vận động thường xuyên.
- Tránh cô lập hoàn toàn – hãy bước ra ngoài, dù chỉ 10 phút đi bộ mỗi ngày.
- Tránh lạm dụng rượu, chất kích thích hoặc dùng thiết bị điện tử quá nhiều
- Không phải ngày nào cũng là ngày tốt nhưng mỗi hành động nhỏ hướng đến sự ổn định đều có giá trị.
5. Hãy kiên nhẫn với chính mình
Hồi phục từ trầm cảm là một quá trình, không có “thuốc thần kỳ” khiến bạn ổn ngay lập tức. Có những ngày bạn thấy khá hơn, có những ngày lại tụt xuống. Điều quan trọng là đừng bỏ cuộc và hãy nhớ rằng bạn xứng đáng được chữa lành.
Lưu ý: Nếu bạn có ý nghĩ tự làm hại bản thân, đừng chần chừ, hãy tìm sự hỗ trợ ngay lập tức từ người thân hoặc các đường dây nóng tâm lý để không cô đơn trên hành trình tìm lại chính mình và sự bình yên trong tâm trí.
Không phải lúc nào người trầm cảm cũng biết mình đang mắc trầm cảm và điều đó có thể khiến họ phải âm thầm chịu đựng trong im lặng. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bên trong lẫn bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Dù là người đang trải qua những ngày u tối hay người thân của họ, hãy nhớ rằng trầm cảm hoàn toàn có thể được chữa lành và không ai cần phải đơn độc trong hành trình đó.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bị trầm cảm có nên đi làm? Công việc nào phù hợp?
- Chi phí khám trầm cảm mới nhất (khám, tư vấn và trị liệu)
- Dấu hiệu bị trầm cảm trước sinh và cách giúp mẹ vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!